Kết quả Đạo luật Độc lập Litva

Litva

Toàn văn Đạo luật Độc lập in trên trang nhất của nhật báo Lietuvos aidas. Phần lớn số báo bị chính quyền Đức tịch thu.

Đạo luật Độc lập được chuyển đến các đảng trong Nghị viện Đế quốc Đức. Ngày 18 tháng 2, toàn văn Đạo luật được đăng trên các tờ báo Đức, bao gồm Das Neue Litauen, Vossische Zeitung, Tägliche Rundschau (de) và Kreuzzeitung.[1] Một bản dịch tiếng Litva được chuẩn bị để đăng trên các tờ báo Litva, nhất là Lietuvos aaidas, là cơ quan ngôn luận của Hội đồng Litva do Antanas Smetona thành lập. Tuy chính quyền Đức cấm xuất bản Đạo luật Độc lập và tịch thu phần lớn số báo, Petras Klimas, tổng biên tập tờ báo, giấu được 60 bản.[14]

Ngày 3 tháng 3 năm 1918, Đức và Nga Xô viếtHòa ước Brest-Litovsk. Đức tuyên bố các nước Baltic đều thuộc vùng ảnh hưởng của Đức và Nga tuyên bố từ bỏ mọi quyền lợi đối với vùng Baltic. Ngày 23 tháng 3, Đức công nhận quyền độc lập của Litva căn cứ vào Đạo luật ngày 11 tháng 12.[1] Tuy nhiên, thực tế là Hội đồng Litva vẫn bị gây trở ngại trong việc thành lập chính quyền.[16] Tình hình thay đổi sau khi Đức bị đánh bại vào mùa thu năm 1918 và trải qua Cách mạng Đức. Ngày 2 tháng 11, Hội đồng Litva thông qua hiến pháp lâm thời đầu tiên và giao chính quyền cho một ủy ban thường trực gồm ba người. Augustinas Voldemaras được mời thành lập Nội các Litva đầu tiên.[12] Phải mất một vài năm Litva mới được quốc tế công nhận hoàn toàn. Hoa Kỳ công nhận quyền độc lập của Litva vào ngày 28 tháng 7 năm 1922.[20]

Đạo luật Độc lập

Bản gốc của Đạo luật Độc lập được giao cho Jonas Basanavičius cất giữ và không được trưng bày công khai; sự tồn tại của bản gốc được đề cập lần đầu tiên trong báo chí vào năm 1933.[21] Bản sao của Đạo luật Độc lập được lưu trữ tại kho lưu trữ của tổng thống. Sau khi Litva bị Liên Xô xâm lược vào ngày 15 tháng 6 năm 1940, bản sao bị thất lạc. Cả hai bản gốc và bản sao đều bị thất lạc sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 2006, một nhóm kỹ sư dò tìm trong tường nhà của Petras Vileišis[22] phát hiện hai bản sao từ năm 1928 và năm 1933. Bản sao năm 1928 gần giống với bản gốc của Đạo luật Độc lập do giữ nguyên những lỗi chính tả trong bản gốc và có phông nền "nhiễu", còn bản sao năm 1933 thì đã được "nhuận sắc".[21]

Năm 2017, doanh nhân người Litva Darius Mockus tuyên bố sẽ tặng 1 triệu Euro cho bất cứ ai tìm được bản gốc của Đạo luật Độc lập và chuyển giao cho Nhà nước Litva trước ngày 16 tháng 2 năm 2018, là ngày kỷ niệm 100 năm độc lập Litva.[23] Ngày 29 tháng 3 năm 2017, Liudas Mažylis, giáo sư Đại học Vytautas Magnus, tuyên bố đã tìm được bản gốc viết tay bằng tiếng Litva của Đạo luật Độc lập, có chữ ký của cả 20 thành viên Hội đồng Litva,[24] bản tiếng Đức và Đạo luật ngày 11 tháng 12 năm 1917 với chữ ký của 19 thành viên[25][26] trong Cục Lưu trữ Chính trị Bộ Ngoại giao Đức tại Berlin. Ngày hôm sau, Đức xác nhận nguồn gốc của ba văn bản. Ngày 7 tháng 10 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Litva Linas Linkevičius và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel ký kết một thỏa thuận quy định bản gốc của Đạo luật Độc lập sẽ được trưng bày tại nơi ký Đạo luật Độc lập trong thời hạn 5 năm.[27][28] Ngày 22 tháng 12 năm 2017, một nhóm chuyên gia từ Trung tâm Pháp y Cảnh sát Litva xác nhận chữ viết của bản viết tay thuộc về Jurgis Šaulys, một trong những người ký Đạo luật Độc lập. Trong cùng ngày, nhà sử học Darius Antanavičius công bố phát hiện một bản khác trong Văn khố Tông tòa Vatican gửi Tòa Thánh, được viết bằng tiếng Đức và có chữ ký của Antanas Smetona, Jonas Vileišis, Jurgis Šaulys và Justinas Staugaitis.[29][30]

Những người ký Đạo luật Độc lập

Hầu hết những người ký Đạo luật Độc lập đều tiếp tục tham gia chính trị, đời sống văn hóa của Litva. Jonas Vileišis trúng cử vào quốc hội Litva và là thị trưởng của Kaunas, thủ đô lâm thời của Litva.[31] Saliamonas Banaitis hoạt động trong lĩnh vực tài chính và thành lập một vài ngân hàng.[32] Antanas Smetona và Aleksandras Stulginskis về sau trở thành tổng thống của Litva. Jonas Basanavičius, chủ tịch Hội đồng Litva, quay trở lại nghiên cứu về văn hóa, truyền thống dân gian Litva.[33] Năm người qua đời trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra; ba người qua đời khi Litva bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Những người từ chối di cư sau khi Litva bị Liên Xô chiếm đóng đều bị bắt làm tù chính trị.[34]

Aleksandras Stulginskis và Petras Klimas bị chính quyền Liên Xô đày ra Siberia nhưng sống sót và trở về Litva.[35] Pranas Dovydaitis và Vladas Mironas cũng bị đày ra Siberia và qua đời trong tù.[36][37] Kazys Bizauskas biến mất trên đường đến một nhà tù Liên Xô tại Minsk vào mùa hè năm 1941; khả năng là ông đã bị bắn chết cùng với những tù nhân khác.[38] Donatas Malinauskas bị trục xuất ra Nga vào ngày 14 tháng 6 năm 1941 trong vụ trục xuất tháng Sáu.[39][40]

Một vài người ký Đạo luật Độc lập di cư sau khi Litva bị Liên Xô chiếm đóng. Jurgis Šaulys và Kazimieras Steponas Šaulys qua đời tại Thụy Sĩ.[38][39] Antanas Smetona, Mykolas Biržiška và Steponas Kairys định cư ở Hoa Kỳ và được mai táng ở đó.[41][42][43]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đạo luật Độc lập Litva https://en.wikipedia.org/wiki/File:Signatarai.Sign... https://en.wikipedia.org/wiki/File:Nepriklausomybe... https://en.wikipedia.org/wiki/File:Jonas_Basanavic... https://en.wikipedia.org/wiki/File:Hand-written_or... https://en.wikipedia.org/wiki/File:Lietuvos_aidas_... https://en.wikipedia.org/wiki/File:House_of_Signat... https://en.wikipedia.org/wiki/File:100th_anniversa... https://web.archive.org/web/20070926230042/http://... https://www.worldcat.org/issn/1392-0456 http://www.ceeol.com/aspx/getdocument.aspx?logid=5...